Mỗi trẻ tự kỷ không trẻ nào giống trẻ nào và đều có khoảng cách về sự khác biệt và cá biệt riêng. Người giáo viên khi đưa ra các hướng dẫn nhóm, cho dù khi hướng dẫn cùng một lúc thì vẫn phải dựa vào tính cá biệt của từng trẻ.

Để bổ sung cho việc phát triển mang tính cá biệt ở từng trẻ, giáo viên cần chú ý tới tám khác biệt khi tiến hành hướng dẫn như dưới đây.
1. Khác biệt thứ nhất là khác biệt về mức độ phát triển
Người giáo viên phải phân biệt các mức độ phát triển của trẻ để thực hiện các hướng dẫn giáo dục khác nhau. Ví dụ, phân chia các “Giai đoạn tiếp nhận phong phú ngôn ngữ nói”, “Giai đoạn vừa tiếp nhận phong phú ngôn ngữ nói, vừa tiếp nhận ngôn ngữ viết”… để từ đó thiết kế các nội dung giáo dục. Dựa vào các giai đoạn mức độ phát triển, giáo viên sẽ bổ sung thêm vào thiết kế nội dung giáo dục cũng như thiết kế mức độ phát triển trong hoạt động nhóm.
2. Khác biệt thứ hai là khác biệt về tốc độ phát triển
Mỗi trẻ khuyết tật trí tuệ đều có tốc độ phát triển riêng của mình, đặc biệt với trường hợp trẻ tự kỷ, thời gian để lĩnh hội tri thức và kỹ thuật mới lại càng có nhiều sự khác biệt. Ngoài ra, người giáo viên cho dù có hướng dẫn cùng một nội dung thì vẫn có trẻ lĩnh hội được ngay nhưng cũng có trẻ chưa lĩnh hội được. Hay nói cách khác là mọi trẻ đều có những khi học “Thích thú” và có cả những lúc học “Kém” nên mặc dù trẻ được chẩn đoán là có cùng một mức độ phát triển như nhau thì tùy theo tính cá biệt của riêng từng trẻ mà mỗi trẻ cũng có tốc độ phát triển khác nhau. Vì vậy, hướng dẫn giáo dục cần phải chú ý đến sự khác nhau trong tốc độ phát triển đó của trẻ và được thực hiện một cách chậm rãi và cẩn trọng.
3.Khác biệt thứ ba là khác biệt về độ trưởng thành
Khác biệt về độ trưởng thành là sự thể hiện những khác biệt về phát triển ở mặt lĩnh hội tri thức và kỹ thuật. Các hướng dẫn về ngôn ngữ và số học sẽ lần lượt tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng và điều đó chính là sự thể hiện những mức độ khác nhau của sự trưởng thành trong học tậpcử trẻ tự kỷ.
4.Khác biệt thứ tư là khác biệt về kinh nghiệm thực tiễn
Mỗi trẻ tự kỷ đều có những khác biệt về hoàn cảnh gia đình cũng như kinh nghiệm cuộc sống gia đình (cuộc sống cộng đồng). Điều đó có nghĩa cần phải cân nhắc đến sự khác nhau trong những kinh nghiệm ban đầu hay những kinh nghiệm ở trẻ và hướng tới hòa hợp sự khác nhau đó ở mỗi trẻ.
5. Khác biệt thứ năm là khác biệt về những giới hạn khuyết tật
Khi nói tới những trẻ tự kỷ, chúng ta cần phải hiểu trong phổ này có nhiều dạng khác nhau như tự kỷ điển hình, tự kỷ không điển hình, hội chứng Asperger… Do đó, cần phải cân nhắc tính cá biệt trong hướng dẫn giáo dục với mỗi khuyết tật khác nhau của trẻ.
6. Khác biệt thứ sáu là khác biệt về sở thích - mối quan tâm và thị hiếu
Sở thích và mối quan tâm của mỗi trẻ tự kỷ cũng có những sự khác nhau. Hướng dẫn giáo dục phải dựa trên cơ sở đó và tập trung vào mỗi trẻ. Tuy nhiên, đặc biệt với trường hợp trẻtự kỷ khác nhau, do có kinh nghiệm thực tiễn khác biệt nên rất nhiều trẻ tự kỷ chỉ có những sở thích và sự quan tâm nhất định. Bởi vậy, hướng dẫn giáo dục phải lưu ý tới việc tạo lập ra một thế giới thị hiếu và mở rộng sở thích - mối quan tâm của trẻ.
7. Khác biệt thứ bảy là khác biệt về hoạt động
Trong giờ học có rất nhiều trẻ tự kỷ không chịu ngồi yên, tăng động giảm chú ý,có nhiều hành vi bất thường, lặp đi lặp lại một hành động hoặc ngược lại có những trẻ chỉ ngồi yên một chỗ. Bởi vì trẻ tăng động làm cản trở giờ học và rất dễ nhận ra nên rất nhiều giáo viên chỉ chú ý tới việc lôi kéo sự tập trung của các trẻ đó mà quên đi các trẻ chỉ ngồi yên một chỗ. Do vậy, hướng dẫn giáo dục cần quan tâm đến cả hai đối tượng trẻ này và đưa ra những kỹ năng lôi kéo sự chú ý và mối quan tâm của cả trẻ tăng động và trẻ chỉ ngồi yên một chỗ.
8. Khác biệt thứ tám là khác biệt về cách học
Tùy theo cách tiếp nhận các kích thích bằng thị giác, thính giác hay xúc giác hoặc sở thích - mối quan tâm của trẻ mà mỗi trẻ tự kỷ sẽ có những cách học khác nhau. Do vậy, hướng dẫn giáo dục phải hiểu được ý thích trong cách học khác nhau đó ở trẻ để từ đó phát triển được các giờ học đáp ứng thích hợp với mỗi trẻ tự kỷ.