Trị liệu âm nhạc

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Thuật ngữ trị liệu âm nhạc được biết đến lần đầu tiên từ sự hợp tác 17 năm của nhà soạn nhạc Paul Nordoff và nhà giáo dục đặc biệt Clive Robbins từ năm 1958. Ban đầu trị liệu âm nhạc được phát triển như một liệu pháp tâm lý cho trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật phát triển nói tiêng. Âm nhạc trị liệu Nordoff - Robbins được phát triển dựa trên niềm tin rằng tất cả mọi người có thể phản ứng với âm nhạc, dù có vấn đề bệnh lý hoặc khuyết tật. Từ đó cho đến nay các biện pháp trị liệu âm nhạc không ngừng được phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Âu đặc biệt ở Mỹ, năm 1998 Hội trị liệu âm nhạc Mỹ (AMTA) được thành lập. Trị liệu âm nhạc cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) xuất hiện cùng với các liệu pháp khác, ở một số nước như Mỹ, Canada, Israel… đã có cả một đội ngũ các chuyên gia trị liệu âm nhạc cho trẻ RLPTK. Ngoài ra, họ cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu về lý luận cũng như thực tiễn khẳng định vai trò của âm nhạc đối với trẻ RLPTK như: “Âm nhạc với trẻ tự kỉ” của Stephen Shore, “Tại sao âm nhạc có ích với trẻ tự kỉ” của Jean Hwang… Trong các chương trình can thiệp chuyên biệt dành cho trẻ tự kỉ, âm nhạc cũng chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt là các chương trình về tương tác xã hội và giao tiếp như “Nhiều hơn lời nói” của Fern Sussman, “RDI cho trẻ nhỏ” của Steven E.Gutstein và Rachelle K.Sheely, “Giao tiếp phải có hai người” của Ayala Manolson…

            Ở Việt Nam thuật ngữ trị liệu âm nhạc mới được quan tâm trong thời gian gần đây. Nhiều người vẫn còn băn khoăn khi phân biệt giáo dục âm nhạc và trị liệu âm nhạc. Đa phần những gì chúng ta đang tiến hành là giáo dục âm nhạc hoặc tích hợp âm nhạc vào các hoạt động giáo dục khác. Để âm nhạc phát huy tác dụng một cách sâu sắc trên đối tượng trẻ RLPTK chúng tôi thấy cần đặt hoạt động này trong những cách thức tổ chức can thiệp có chiều sâu hơn đó là hoạt động trị liệu. Mục đích chính của trị liệu âm nhạc không phải là dạy cho trẻ biết hát hay, đàn giỏi mà thông qua âm nhạc tác động đến các khía cạnh tâm lý của trẻ. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu một số biện pháp tổ chức hoạt động trị liệu âm nhạc hiện đang được xây dựng và vận dụng tại trung tâm Khánh Tâm – Hà Nội.

II. NỘI DUNG

1. Tác dụng của trị liệu âm nhạc với trẻ RLPTK

            Ngay từ khi còn rất nhỏ, một bài hát ru, một cử động đu đưa nhẹ nhàng đã đưa đứa trẻ đang la khóc vào giấc ngủ. Trước khi ra đời trẻ đã thể hiện sự nhạy cảm với âm thanh mà chính người mẹ có thể cảm nhận được, trẻ cảm thấy thoải mái với nhịp tim đập đều đặn, thư thái của mẹ, với âm thanh hay điệu nhạc du dương từ môi trường bên ngoài; ngược lại, trẻ có thể phản ứng lại khi bất ngờ nghe những âm thanh chói tai, ồn ào… Những bản nhạc với giai điệu du dương, với tiết tấu nhịp nhàng có thể dễ dàng giúp trẻ thư thái và đi vào ngủ ngon giấc.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới xúc cảm, tình cảm, phá bỏ bức tường ngăn cách trẻ RLPTK với thế giới bên ngoài. Thế giới xúc cảm, tình cảm được cho là lạ lùng của trẻ RLPTK nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề hay biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự [2].

Trẻ RLPTK khó hòa nhập được với thế giới bên ngoài bởi bức tường ngăn cách là những khiếm khuyết về tâm - sinh lý. Sự hình thành các kỹ năng cần đến sự hoạt động và phối hợp hiệu quả của các giác quan như thính giác, xúc giác, thị giác… cùng kết hợp  với ngôn ngữ. Âm nhạc có thể tác động đến tất cả các giác quan của trẻ một cách tự nhiên qua việc nghe nhạc, sử dụng nhạc cụ, hát, trò chơi âm nhạc… Vì thế, hoàn toàn có thể khẳng định rằng âm nhạc có tác dụng hỗ trợ trong việc phục hồi những kỹ năng khiếm khuyết ở trẻ RLPTK. Điều đặc biệt cần nói đến là âm nhạc là con đường vượt qua ngôn ngữ, là con đường dẫn đến thế giới xúc cảm của trẻ. Việc sử dụng âm nhạc phù hợp sẽ giúp trẻ RLPTK điều hòa được cảm xúc. Từ việc trẻ làm chủ được cảm xúc của bản thân mà các kỹ năng của trẻ có thêm cơ hội được cải thiện. Mặt khác, trẻ RLPTK cũng mang trong mình một tâm hồn trẻ thơ do vậy đa số các em yêu thích ca hát, vui chơi. Vì thế, dùng chính niềm yêu thích đó của trẻ để đi vào thế giới của trẻ từ đó dần dần giúp trẻ tiến bộ là một lựa chọn hữu ích.

Nghiên cứu được công bố trên tạp trí Âm nhạc trị liệu khẳng định vai trò của trị liệu âm nhạc với trẻ RLPTK là cải thiện hành vi xã hội; tăng sự tập trung chú ý; tăng cường các nỗ lực giao tiếp (lời nói, cử chỉ, điệu bộ); giảm căng thẳng; tăng khả năng nhận thức về cơ thể và phối hợp vận động…[1]. Dưới đây là một số phân tích cụ thể:

         Âm nhạc giúp trẻ tăng khả năng tương tác một cách tự nhiên, không khiên cưỡng [5] [6]. Tham gia vào các hoạt động âm nhạc tạo thêm cơ hội để trẻ tương tác với các bạn, trẻ sẽ bắt đầu có sự tương tác với nhau trong dòng chảy của âm nhạc khi được hướng dẫn cùng cầm vào một chiếc vòng và kết hợp để chuyền chiếc vòng chuyển động theo nhịp điệu của bản nhạc. Ngoài ra, nhịp trống rộn ràng, âm thanh của xúc xắc cùng với nhịp điệu sôi động của một bài hát giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và cùng nối đuôi nhau hành quân theo nhịp một cách tự nhiên. Thêm nữa, hoạt động âm nhạc có sử dụng các nhạc cụ trẻ yêu thích là động lực để trẻ hợp tác với các bạn.

Âm nhạc giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp. Tác giả Neha Khetrapal của Đại học Bielfeld, Đức đã đưa ra các nghiên cứu và khẳng định: “Âm nhạc là một sự lựa chọn hiệu quả để nâng cao khả năng giao tiếp ở những người mắc RLPTK”. Nghiên cứu của Lim HA chỉ ra được âm nhạc giúp khả năng tiếp nhận vốn từ vựng và khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ RLPTK [4].

Trước hết, âm nhạc tăng cường kỹ năng giao tiếp cho trẻ qua việc khuyến khích trẻ sử dụng ngôn ngữ nói. Các em có thể học được những từ giao tiếp mới dễ dàng qua việc được nghe và hát đi, hát lại một bài hát hơn là học để bắt chước nói một cách bình thường. Ngoài ra, để trẻ phát âm cần dạy trẻ sử dụng môi, lưỡi, hàm, hơi thở, việc dạy trẻ sử dụng một chiếc kèn thổi hoàn toàn phù hợp cho mục đích này.

Hoạt động âm nhạc còn có ý nghĩa tích cực đối với việc sử dụng ngôn ngữ không lời cho trẻ. Nếu trẻ được tham gia vào các hoạt động âm nhạc thường xuyên, các trò chơi âm nhạc mà trẻ yêu thích sẽ giúp trẻ thêm mạnh dạn thực hiện các hoạt động, thể hiện bản thân trước mọi người. Trẻ có thể điều tiết được cảm xúc thông qua âm nhạc từ đó hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục khác, dần dần trẻ thụ động có thể mạnh dạn thể hiện bản thân mình hơn, trẻ tăng động cũng có thể điều tiết hoạt động một cách hợp lý.

Tham gia vào các hoạt động âm nhạc giúp trẻ luyện tập kỹ năng luân phiên, chú ý, bắt chước, khởi đầu, duy trì hoạt động [1].

Âm nhạc giúp cải thiện hành vi. Âm nhạc được sử dụng phù hợp có tác động tích cực để hỗ trợ, điều chỉnh hành vi cho trẻ. Âm nhạc có thể lôi cuốn điều chỉnh cảm xúc của con người, cảm xúc chính là nguyên nhân dẫn đến hành vi tốt hay xấu [1] [3]. Với trẻ RLPTK, âm nhạc được sử dụng phù hợp với sở thích của trẻ có thể giúp trẻ nguôi cơn giận, ngăn chặn hành vi tiêu cực dễ nảy sinh ở trẻ.

Các hoạt động âm nhạc giúp trẻ giảm bớt những hành vi định hình. Âm thanh của các loại nhạc cụ được tạo ra khi trẻ được hướng dẫn sử dụng đúng cách kết hợp với các bài hát quen thuộc giúp cho trẻ cảm thấy thích thú, cuốn trẻ vào hoạt động phù hợp.

2. Biện pháp thiết kế các hoạt động trị liệu âm nhạc dành cho trẻ RLPTK

            Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi bước đầu giới thiệu biện pháp thiết kế các hoạt động trị liệu âm nhạc cơ bản dành cho trẻ RLPTK hiện áp dụng tại trung tâm Khánh Tâm là nghe nhạc, trò chơi và vận động theo nhạc, ca hát, sử dụng nhạc cụ đơn giản.

2.1. Hoạt động nghe nhạc

Các bản nhạc được lựa chọn có tính chất êm dịu, du dương, phối khí đơn giản, với tempo khoảng 60 đến 80 nhịp/1 phút (gần với nhịp đập của trái tim)  nhằm mục đích giúp trẻ thư giãn hay một điệu nhạc có tiết tấu sôi động giúp kích thích sự hứng thú. Một điệu nhạc trẻ yêu thích sẽ dễ dàng đi vào thế giới riêng của trẻ, xoa dịu ngay tức khắc sự tức giận, cảm giác lo âu, căng thẳng thậm chí tâm hồn các em bay bổng theo điệu nhạc từ đó kết nối trẻ đến với thế giới xung quanh. Hoạt động nghe nhạc có thể được thiết kế với nhiều hình thức khác nhau:

-         Tổ chức cho trẻ ngồi lắng nghe nhạc một cách đơn giản.

-          Hướng dẫn trẻ ngồi thành vòng tròn, trẻ được kết nối với nhau qua việc cùng cầm vào một chiếc vòng lớn và cùng nhau đung đưa chiếc vòng theo nhịp điệu bản nhạc.

-         Trẻ được hướng dẫn ngồi thành từng cặp, cầm tay nhau và cùng đung đưa theo nhạc.

-         Giúp trẻ nằm nghe nhạc, đồng thời cuộn một chiếc khăn xuống phía dưới hõm lưng giúp cho trẻ thư giãn và tốt cho nhịp thở của trẻ. Trị liệu viên sẽ kết hợp giúp trẻ vận động tay hoặc chân theo nhịp.

-         Nghe nhạc kết hợp với mát xa

-         Nghe nhạc trong lúc ngồi thiền (giờ tập yoga)

Cần chú ý tới phản ứng của trẻ với mỗi bản nhạc khác nhau vì sở thích của mỗi trẻ là khác nhau. Trị liệu viên cần chọn lựa nhạc cho phù hợp với sở thích của trẻ. Với trẻ tăng động nên cho trẻ nghe những bản nhạc du dương, êm dịu; trẻ ù lì nên lựa chọn những bản nhạc sôi động hay những đoạn nhạc có tiết tấu nhanh chậm khác nhau để kích thích trẻ vận động. Tại nhà, bố mẹ cho con nghe nhạc trong thời gian rảnh hoặc khi cần âm nhạc để xoa dịu, thư giãn hay kích thích hứng thú.

2.2. Hoạt động ca hát

Các bài hát giúp tăng sự thích thú của trẻ đối với lời nói, với những trẻ biết nói nhưng ngại nói và với những trẻ đang bắt đầu học nói; người lớn hát cùng trẻ để dạy cho trẻ kỹ năng luân phiên, bắt chước; trẻ hát cùng nhau để kết nối với nhau một cách tự nhiên. Trẻ có thể dễ dàng làm theo hướng dẫn của người lớn qua một câu hát vui vẻ hơn là một lời nói.

-         Các bài hát cần được lựa chọn với phần lời ca đơn giản, ngắn gọn, lặp đi lặp lại.

-         Sáng tạo các câu hát bằng cách đưa các câu nói bình thường vào những giai điệu của các bài hát làm cho trẻ thêm thích thú.

-         Với trẻ bắt đầu học nói hay những trẻ gặp khó khăn về phát âm, trị liệu viên dạy hát vuốt đuôi để trẻ phát âm từng âm đơn, việc dạy trẻ hát vuốt đuôi tạo cơ sở cho trẻ sự chủ động trong việc ca hát và tự tin tham gia vào hoạt động mặc dù trẻ không thể hát được đầy đủ một câu.

-          Ca hát kết hợp với hoạt động biểu diễn giúp trẻ thêm tự tin thể hiện bản thân và học được cách thể hiện cảm xúc và ý nghĩa của bài hát.

-    Bố mẹ hát với con tại nhà, hát karaoke với các bạn biết đọc.

2.3. Hoạt động trò chơi và vận động theo nhạc

Trẻ em luôn thích các hoạt động vui chơi và vận động, khi các hoạt động này kết hợp với âm nhạc thì sự hứng khởi được nhân lên. Hoạt động này giúp tăng cường sự tương tác, kỹ năng luân phiên, khả năng quan sát và bắt trước, giúp trẻ tự tin thể hiện bản thân, rèn luyện các kỹ năng xã hội, sự chủ động trong lời nói và hợp tác với bạn chơi cùng.

Hoạt động này có thể được tổ chức một cách đa dạng, tuy nhiên các trò chơi âm nhạc dành cho trẻ cần đơn giản và trị liệu viên không giải thích dài dòng bằng lời nói. Chẳng hạn, với trò chơi “đoán nhạc cụ” trẻ được yêu cầu đoán các nhạc cụ đơn giản như trống, tambourine (xắc xô), vòng bi, sound eggs … sau khi nghe thấy tiếng của các nhạc cụ này, tri giác thính giác tích cực là một trong những mục tiêu của trị liệu âm nhạc.

2.4. Hoạt động sử dụng nhạc cụ đơn giản

Trẻ được thực hành với các nhạc cụ như trống, tambourine (xắc xô), sound eggs, kèn, đàn… và cả những nhạc cụ tự chế như chai đựng gạo, cốc úp, hộp nhựa… để tạo ra những âm thanh theo hướng dẫn của trị liệu viên và được khuyến khích tạo ra những âm thanh tự phát theo cảm hứng của các em.

Hầu hết trẻ đều hứng thú với các nhạc cụ, việc cho trẻ tiếp xúc với nhạc cụ không chỉ giúp các em tăng cường kỹ năng vận động tinh mà còn như một phần thưởng để các em thêm hứng thú tham gia các hoạt động cùng các bạn. Một nhóm trẻ có thể được ngồi thành vòng tròn, mỗi em một nhạc cụ cùng gõ, lắc theo giai điệu nhạc; để hoà chung vào “bạn nhạc” các em phải cố gắng bắt chước nhau, theo kịp tốc độ của nhau… khi đó khả năng bắt chước và hợp tác nhóm được cải thiện một cách tự nhiên.

III. KẾT LUẬN

   Tác dụng của âm nhạc với trẻ RLPTK đã được khẳng định trong thực tế, tuy vậy, cũng cần phải khẳng định thêm rằng cũng như các liệu pháp khác, liệu pháp âm nhạc có tác dụng tăng cường các kỹ năng với mỗi trẻ là khác nhau và cần có thời gian tác động lâu dài. Trị liệu và giáo dục âm nhạc nếu có thể trở thành con đường phát huy năng khiếu âm nhạc thì đó là điều tuyệt vời, còn không thì vẫn có thể trở thành một liệu pháp trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của trẻ em RLPTK. Xin được giới thiệu kết quả vận dụng các biện pháp trị liệu âm nhạc trên đây trong một bài viết khác sau khi có đầy đủ những phân tích định tính và định lượng trên nhóm 36 trẻ RLPTK đang được trị liệu âm nhạc tại trung tâm Khánh Tâm – Hà Nội.

Để âm nhạc mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ RLPTK cần có những biện pháp trị liệu phù hợp; kế hoạch giáo dục cho từng cá nhân, từng nhóm trẻ; cần có một kho tư liệu các bài hát, các bản nhạc phù hợp bởi trẻ RLPTK; đặc biệt cần có sự kết hợp chuyên môn giữa giáo dục đặc biệt và giáo dục âm nhạc…

Gợi mở ra một vấn đề không còn mới đối với thế giới nhưng khá mới mẻ với Việt Nam, chúng tôi hy vọng trị liệu âm nhạc cho trẻ RLPTK sẽ được quan tâm hơn nữa, thực sự trở thành một phần trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ RLPTK và là một trong những hướng đi phần nào giúp trẻ RLPTK ở Việt Nam có thể bước ra khỏi thế giới riêng để hòa nhập với thế giới chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Trần Thị Thuỳ (2014), Giáo dục âm nhạc cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 4-6 tuổi, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học sư phạm nhạc hoạ trung ương.

2.      Nguyễn Thị Hoàng Yến (2013), Tự kỷ - những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm.

3.      Finnigan,E., Starr, E (2010), Increasing  social responsiveness in a child with autism, A comparison of music and non-music interventions, Autism 2010 Jul;14(4): 321-48. 

4.      Lim HA (2010), Effect of "developmental speech and language training through music" on speech production in children with autism spectrum disorders, J Music Ther, 2010 Spring; 47(1):2-26

1.      Trần Thị Thuỳ (2014), Giáo dục âm nhạc cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 4-6 tuổi, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học sư phạm nhạc hoạ trung ương.

2.      Nguyễn Thị Hoàng Yến (2013), Tự kỷ - những vấn đề lí luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm.

3.      Finnigan,E., Starr, E (2010), Increasing  social responsiveness in a child with autism, A comparison of music and non-music interventions, Autism 2010 Jul;14(4): 321-48. 

4.      Lim HA (2010), Effect of "developmental speech and language training through music" on speech production in children with autism spectrum disorders, J Music Ther, 2010 Spring; 47(1):2-26

5.      Katagiri J. (2009), The effect of background music and song texts on the emotional understanding of children with autism, J Music Ther, 2009 Spring; 46(1):15-31.

6.      Kim J, Wigram T, Gold C. (2009), Emotional, motivational and interpersonal responsiveness of children with autism in improvisational music therapy, Autism, 2009 Jul; 13(4):389-409. 

Đọc: Lần

Khóa học liên quan

TRUNG TÂM GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT ÁNH DƯƠNG

  • Số 20, ngõ 46, phố Chu Huy Mân - Phường Phúc Đồng - Long Biên - Hà Nội

    Hotline: 0392 29 28 29

  •  

    Cơ sở 2: số 291 Ngô Xuân Quảng, Châu Quỳ - Gia Lâm- HN

    Hotline: 0978 977 980

    Email: anhduonglongbien@gmail.com - thuhuongnp@gmail.com

    Website: www.anhduong.edu.vn

Top